Dự thảo nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo đã bổ sung loạt quy định mới nhằm siết hoạt động quảng cáo sữa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo. Luật mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2026.
Dự thảo nghị định bổ sung, hoàn thiện các quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Cùng với đó, dự thảo cũng bổ sung quy định cụ thể về nội dung quảng cáo bắt buộc, nội dung khuyến cáo, nội dung cảnh báo, hành vi bị cấm trong quảng cáo đối với từng nhóm sản phẩm.
Đồng thời phân định rõ trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành (Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường…), góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát nội dung quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Dự thảo nghị định đã liệt kê cụ thể 11 nhóm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường.
Cụ thể, đối sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, dự thảo bắt buộc quảng cáo phải có nội dung “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ” ở phần đầu quảng cáo. Đồng thời, nội dung cần nêu rõ “Sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi”.
Về thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, dự thảo yêu cầu phải có cụm từ nhận diện rõ ràng và quy định khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Cụm từ này phải được thể hiện rõ ràng trên quảng cáo, trừ trường hợp quảng cáo âm thanh dưới 15 giây (nhưng vẫn phải thể hiện trong nội dung quảng cáo).
Với nội dung quảng cáo thực phẩm, dự thảo yêu cầu phải có các thông tin bắt buộc gồm tên thực phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm; tên, địa chỉ nhà sản xuất sản phẩm. Dự thảo cũng quy định rõ việc quảng cáo phải có các nội dung về công dụng của sản phẩm, các cảnh báo sức khỏe (nếu có).
Đối với mỹ phẩm, dự thảo nêu rõ quảng cáo không được gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc và không được sử dụng hình ảnh, tên của các đơn vị, cá nhân y tế để quảng cáo. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng “thần thánh hóa” mỹ phẩm thành thuốc chữa bệnh, gây rủi ro cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, khi quảng cáo mỹ phẩm, quy định mới yêu cầu không sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế khác. Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải có các thông tin bắt buộc gồm tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế.
Trường hợp tên mỹ phẩm đã bao gồm các thông tin về tính năng, công dụng thì không phải thể hiện nội dung này trong quảng cáo.
Quảng cáo mỹ phẩm trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm; các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế.
Các nhóm sản phẩm, hàng hoá còn lại bao gồm: Hóa chất chế phẩm diệt côn trùng; thiết bị y tế; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón, giống cây trồng; thuốc đồ uống có cồn.
Dự thảo còn mở rộng khả năng bổ sung các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ.
Tri Thức – Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.