TS Trần Du Lịch: TP.HCM cần sớm xây dựng khu thương mại tự do

TS Trần Du Lịch cho rằng chỉ có khu thương mại tự do mới giúp TP.HCM tham gia trực tiếp chuỗi giá trị phân phối toàn cầu, thu hút đầu tư mạnh và là đột phá trong giai đoạn phát triển mới.

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 tại tọa đàm sáng 17/7. Ảnh: BTC.

Dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM, sáng 17/7, Sở Công Thương TP.HCM và Báo Tuổi Trẻ đã phối hợp tổ chức tọa đàm với chủ đề “Động lực phát triển công nghiệp TP.HCM – từ tiềm năng đến hành động” tại phường Bình Dương.

Phát biểu mở đầu, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương cho biết TP.HCM mới với quy mô của một siêu đô thị gần 14 triệu người tiếp tục giữ vững vị thế là trung tâm kinh tế, công nghiệp hàng đầu cả nước. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp trên 30% GRDP, là nền tảng quan trọng để TP tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số trong những năm tới.

Nút thắt của TP.HCM

Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn – Trường chính sách công và Quản lý Fulbright – cho rằng sau sáp nhập, tổng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp TP.HCM hơn 40 tỷ USD, chiếm đến 27-28% tổng giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp của cả nước.

TP.HCM cũng là vùng có hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp và logistics phát triển hàng đầu cả nước, với hơn 70 khu công nghiệp. Do đó, ông Tuấn nhấn mạnh TP.HCM có vai trò đầu tàu năng động, sáng tạo, kéo theo sự phát triển công nghiệp của cả nước và hình thành các ngành công nghiệp chủ lực tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực.

Dù vậy, Giám đốc Sở Công Thương thừa nhận để công nghiệp thực sự trở thành động lực lan tỏa mạnh mẽ, còn nhiều những nút thắt và thách thức lớn.

Trước hết là chi phí logistics chiếm 16-20% giá thành sản phẩm, cao hơn mức trung bình so với các thành phố ở các nước phát triển.

Bên cạnh đó, chi phí tiếp cận đất đai còn cao, quỹ đất sạch hạn chế, ảnh hưởng đến năng lực thu hút đầu tư quy mô lớn, thu hút các dự án công nghệ cao.

Nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, tỷ lệ tự động hóa thấp, năng suất lao động chỉ đạt khoảng 60% so với các đô thị tương đồng trong khu vực.

“Đặc biệt, việc Mỹ dự kiến áp thuế lên nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó TP.HCM là địa bàn sản xuất và xuất khẩu chủ lực sẽ tác động sâu sắc đến doanh nghiệp trong nước và cả khối FDI, đòi hỏi chúng ta phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm”, ông Vũ nhấn mạnh.

cong nghiep tphcm,  so cong thuong anh 1

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương phát biểu mở đầu tọa đàm. Ảnh: BTC.

Bổ sung thêm, TS Huỳnh Thanh Điền (Đại học Nguyễn Tất Thành) đã chỉ ra 3 nút thắt lớn nhất đang cản trở khát vọng dẫn dắt vùng của TP.HCM mới.

Thứ nhất, các địa phương cùng phát triển những ngành giống nhau nhưng thiếu phân vai trong chuỗi giá trị; khu công nghiệp trùng lặp chức năng; TP.HCM chưa phát huy vai trò điều phối, dẫn đến đầu tư dàn trải, FDI cạnh tranh nội vùng, chưa hình thành được chuỗi sản xuất chuyên môn hóa.

Thứ hai, thiếu cơ chế điều phối vùng khiến quy hoạch bị chồng lấn, nguồn lực phân tán, hiệu quả đầu tư thấp; chưa có cơ chế chia sẻ lợi ích, rủi ro và tài khóa giữa các địa phương khiến hợp tác trong các dự án hạ tầng quy mô lớn kém hiệu quả.

Thứ ba, các địa phương đầu tư hạ tầng riêng lẻ, thiếu thống nhất về tiêu chuẩn và lộ trình. Hệ thống đường sắt, đường bộ, cảng biển chưa kết nối đồng bộ, khiến chi phí logistics trở nên đắt đỏ. Trung tâm logistics, kho bãi, IDC phân bổ chưa hợp lý, gây ùn ứ và lãng phí.

Trước những nút thắt trên, đại diện Sở Công Thương kỳ vọng buổi tọa đàm với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong ngành sẽ góp phần giải đáp câu hỏi TP.HCM cần làm gì để ngành công nghiệp thực sự trở thành trụ cột tăng trưởng bền vững, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế đô thị, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và khẳng định vai trò là trung tâm sản xuất lớn nhất cả nước.

Chỉ FTZ mới có thể đưa TP.HCM vào chuỗi giá trị toàn cầu

Tại buổi toạ đàm, ông Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh TP.HCM cần được quy hoạch trở thành trung tâm lõi từ khâu thiết kế, sản xuất đến xuất khẩu. Từ đó, TP sẽ tạo sức lan tỏa phát triển ra các địa phương trong vùng như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long… Đây phải là định hướng xuyên suốt trong chiến lược phát triển của TP, với mục tiêu cuối cùng là hình thành một chuỗi giá trị công nghiệp vùng vững mạnh.

Theo ông Điền, TP.HCM không nên chỉ lo cho riêng mình mà cần phát huy vai trò dẫn dắt vùng, xứng đáng với vị thế “siêu đô thị” mà Trung ương đã giao phó. Để làm được điều đó, TP cần định vị lại vai trò là trung tâm chủ trì chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp vùng.

“Nếu TP.HCM không đứng ra đảm nhận vai trò điều phối, sẽ không có ai vẽ quy hoạch và mời các địa phương khác cùng tham gia”, ông Điền nói và đề xuất TP nên cân nhắc thành lập một Ủy ban Phát triển vùng để phối hợp quy hoạch, phân bổ nguồn lực và thực hiện dự án liên kết.

Về không gian sản xuất, ông Điền cho rằng các khu công nghiệp nội đô nên được chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình công nghiệp gắn với dịch vụ hoặc logistics, thay vì tiếp tục duy trì sản xuất quy mô lớn. Các hoạt động sản xuất công nghiệp nên được di dời ra các tỉnh lân cận, những nơi có quỹ đất rộng và hạ tầng thuận lợi.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh TP cần đồng bộ trục giao thông liên kết vùng; hiện đại hóa hệ thống cảng biển và cảng cạn; phát triển mạng lưới đường sắt phục vụ công nghiệp; kết nối các sân bay quốc tế với hệ sinh thái công nghiệp.

Đặc biệt, ông đề xuất TP.HCM cần sớm hình thành khu thương mại tự do (FTZ) như một phần trong chiến lược công nghiệp mới, kết nối với Trung tâm tài chính quốc tế (IFC).

cong nghiep tphcm,  so cong thuong anh 2

Theo quy hoạch, khu thương mại tự do sẽ được phát triển tại khu vực Cái Mép Hạ, gắn với cảng biển nước sâu và sân bay Long Thành. Ảnh: T.L.

Tại phiên thảo luận, TS Trần Du Lịch – Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 – cũng cho rằng TP.HCM cần nhanh chóng xây dựng Khu thương mại tự do Cái Mép – Thị Vải.

“Trong giai đoạn mới này, chỉ có FTZ mới tham gia trực tiếp được vào chuỗi giá trị phân phối toàn cầu và thu hút đầu tư mạnh mẽ. Do đó, TP phải thực hiện nhanh vì đây được xem là một đột phá”, ông nhấn mạnh.

Theo ông, nền tảng của FTZ không chỉ là thương mại dịch vụ, mà còn là công nghiệp. Từ đó, FTZ sẽ kết nối với các trung tâm logistics (ICD) đã quy hoạch tại Dĩ An, Thuận An để nâng cao hiệu quả vận hành chuỗi cung ứng.

TS Trần Du Lịch cho rằng TP.HCM cần đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong 5 năm tới. Để đạt được điều đó, công nghiệp TP không thể tiếp tục tăng trưởng theo chiều ngang, dựa vào lao động giá rẻ bởi nguồn nhân lực giá rẻ đang ngày càng khan hiếm.

Do đó, TP phải chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đồng thời giải quyết “phương trình nhiều ẩn số” trong phát triển công nghiệp.

Vị chuyên gia này cho rằng TP.HCM và Đồng Nai không thể tiếp tục giữ nguyên quy hoạch công nghiệp cũ. Thay vào đó, cần điều chỉnh quy hoạch dựa trên lợi thế từng vùng, gắn với quy hoạch tổng thể vùng Nam Bộ. Đây là việc cấp bách, cần thực hiện ngay.

Cuối cùng, ông nhấn mạnh cần đánh giá lại từng ngành, nhóm ngành công nghiệp hiện nay dựa trên tỷ trọng giá trị gia tăng trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Đặc biệt, cần tính toán năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của từng ngành để xác định rõ đâu là yếu tố đóng góp vào năng suất chung.

TP.HCM cũng cần đi đầu trong việc nội địa hóa chuỗi cung ứng nguyên liệu và tăng khả năng tự chủ. Song song đó là giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng số (như trung tâm dữ liệu lớn), năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, nhằm phục vụ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi kép, bao gồm chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Tri Thức – Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.