LVMH muốn bán thương hiệu thời trang xa xỉ Marc Jacobs

Tập đoàn LVMH đang đàm phán với chủ sở hữu của Vera Wang và Reebok để chuyển nhượng thương hiệu thời trang Marc Jacobs. Giá trị thương vụ ước tính khoảng 1 tỷ USD.

Một cửa hàng Marc Jacobs ở Ukraine năm 2017. Ảnh: Reuters/Valentyn Ogirenko

Theo WSJ, các bên đang tham gia đàm phán bao gồm Authentic Brands Group – chủ thương hiệu Reebok; Bluestar Alliance – công ty mẹ của Brookstone; và WHP Global – đơn vị đang sở hữu Vera Wang.

Giá trị chuyển nhượng được ước tính khoảng 1 tỷ USD. Dù chưa có bên nào đưa ra bình luận chính thức, WSJ nhận định thỏa thuận có thể sớm được hoàn tất nếu đàm phán diễn ra thuận lợi.

LVMH tiếp tục tinh gọn danh mục đầu tư

Việc rút khỏi Marc Jacobs là bước đi tiếp theo trong nỗ lực tinh gọn danh mục đầu tư của LVMH. Năm ngoái, tập đoàn đã bán Off-White – thương hiệu do cố nghệ sĩ Virgil Abloh sáng lập – cho Bluestar Alliance. Năm 2016, LVMH cũng đã chuyển nhượng Donna Karan và DKNY.

Gần đây, nhà thiết kế Stella McCartney đang đàm phán mua lại cổ phần thương hiệu mang tên mình từ LVMH, sau khi rút lui để tập trung vào định hướng thời trang bền vững.

“Chúng tôi sẽ không giữ thương hiệu nếu không còn phù hợp với định hướng hoặc không thể vận hành hiệu quả”, Giám đốc Tài chính LVMH Cécile Cabanis chia sẻ trong buổi họp công bố kết quả kinh doanh ngày 24/7.

Marc Jacobs được thành lập vào năm 1984 bởi nhà thiết kế người Mỹ cùng tên và cộng sự Robert Duffy. Thương hiệu này từng tạo nên dấu ấn mạnh mẽ nhờ phong cách pha trộn giữa thời trang cao cấp và đường phố.

Năm 1997, LVMH mua lại cổ phần của thương hiệu và bổ nhiệm Marc Jacobs làm Giám đốc sáng tạo cho Louis Vuitton. Đây là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ông cũng như chiến lược của LVMH.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Marc Jacobs chật vật tìm lại vị thế. LVMH đã tìm cách cải tổ bằng cách tinh gọn bộ sưu tập và tái định vị thương hiệu, nhưng kết quả vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Ngành xa xỉ châu Âu đối mặt thách thức kéo dài

Các thương hiệu châu Âu, bao gồm cả “ông lớn” LVMH, đang đối mặt với những thách thức kéo dài của thị trường xa xỉ toàn cầu, trị giá khoảng 400 tỷ USD. Mối đe dọa từ mức thuế 30% mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến áp lên hàng hóa châu Âu khiến các nhãn hàng đến từ Pháp và Italy càng thêm áp lực, trong khi niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm.

Bên cạnh đó, việc tăng giá trong những năm qua khiến người tiêu dùng Mỹ ngày càng dè dặt với hàng xa xỉ, chuyển hướng sang các sản phẩm có giá trị đầu tư dài hạn như trang sức thay vì túi xách, mặt hàng từng là động lực tăng trưởng chính.

LVMH anh 1

LVMH sở hữu danh mục thương hiệu xa xỉ ấn tượng như Louis Vuitton, Dior, Fendi, Celine, Bvlgari, Hennessy và nhiều cái tên đình đám khác. Ảnh: LV.

Kết thúc quý II/2025, doanh thu LVMH đạt 19,5 tỷ euro (khoảng 22,88 tỷ USD), giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn kỳ vọng. Đặc biệt, mảng kinh doanh thời trang và đồ da – lĩnh vực chủ lực của tập đoàn – sụt giảm tới 9%, cao hơn mức dự báo 7,8%.

Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu LVMH đã giảm gần 23% giá trị, phản ánh sự lo ngại về tăng trưởng dài hạn. Cổ phiếu của Kering – công ty mẹ Gucci – cũng giảm 6%, trong khi Hermes tăng nhẹ 3,6%.

Trước những biến động dồn dập, nhiều tập đoàn thời trang xa xỉ tại châu Âu đang đẩy mạnh tái cấu trúc và điều chỉnh chiến lược.

Không riêng gì LVMH, đầu năm nay, Prada cũng thông báo mua lại thương hiệu Versace từ Capri Holdings với giá gần 1,4 tỷ USD. Trong khi đó, Gucci – đầu tàu doanh thu của Kering – đang trải qua giai đoạn tái cơ cấu sau khi doanh số dự kiến giảm gần 25% so với cùng kỳ.

LVMH từng là công ty giá trị nhất châu Âu hồi đầu năm, hiện đã tụt xuống vị trí thứ năm. Nhìn chung, các ông lớn trong ngành đều chọn ưu tiên tối ưu hóa danh mục thương hiệu, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả vận hành để thích nghi với giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức – Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.