Báo cáo tài chính quý II/2025 mới công bố của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy khoản lợi nhuận tăng mạnh, thậm chí đã tiến rất sát mục tiêu của cả năm.
![]() |
Đa số doanh nghiệp bảo hiểm công bố báo cáo tài chính quý II đạt kết quả kinh doanh khả quan. Ảnh: ITN. |
Sau giai đoạn trầm lắng vì suy giảm niềm tin khiến sức mua giảm mạnh và rủi ro đầu tư tăng cao, thị trường bảo hiểm đang cho thấy tín hiệu phục hồi rõ rệt.
Báo cáo tài chính quý II của các doanh nghiệp trong ngành ghi nhận kết quả tích cực, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh cả ở doanh thu bảo hiểm gốc lẫn hoạt động tài chính. Một số công ty đã hoàn thành hơn nửa kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau 6 tháng.
Loạt công ty kinh doanh khởi sắc
Báo cáo hợp nhất quý II của CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam PVI (HNX: PVI) cho thấy khoản lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 530 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ; lãi ròng đạt 437 tỷ đồng, tăng 52%.
Kết quả tăng trưởng tốt này đến từ khoản doanh thu phí bảo hiểm gốc mang về 3.588 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu nhận tái bảo hiểm đạt 3.297 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Doanh thu thuần từ bán hàng và dịch vụ, chủ yếu đến từ bảo hiểm và tái bảo hiểm, đạt 2.324 tỷ đồng, tăng 27%. Chi phí nhượng tái bảo hiểm tăng 68% lên 4.906 tỷ đồng.
Tuy vậy, lợi nhuận từ mảng tài chính giảm nhẹ 4% xuống còn 223 tỷ đồng. Phần lớn doanh thu hoạt động tài chính của PVI đến từ lãi tiền gửi và cho vay. Trong kỳ, PVI vẫn ghi nhận điểm sáng từ khoản lãi chênh lệch tỷ giá tăng gần 40%, đạt gần 54 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công ty cũng báo chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 14%, chủ yếu do chi phí nhân sự và dịch vụ mua ngoài.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, PVI thu về 953 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 87% kế hoạch năm.
Cũng ghi nhận kết quả tích cực, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (HoSE: MIG) báo doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý II đạt 981 tỷ đồng, tăng gần 11%. Doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 1.363 tỷ đồng, tăng 7%.
Hoạt động tài chính của MIG khởi sắc với lãi gần 93 tỷ đồng (+23%). Doanh thu tài chính đạt 155 tỷ đồng (+7%) nhờ nguồn thu từ lãi tiền gửi và ủy thác đầu tư. Dù chi phí bồi thường bảo hiểm tăng 9% lên 382 tỷ đồng, tốc độ tăng vẫn thấp hơn doanh thu, giúp lợi nhuận từ mảng bảo hiểm cải thiện rõ rệt.
Dù vậy, ở chiều ngược lại, các chi phí trong kỳ đều tăng. Đơn cử như chi phí cho hoạt động bảo hiểm khoảng 828 tỷ đồng (+9%); chi phí quản lý doanh nghiệp là 139 tỷ đồng (+15%).
Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý II của MIG đạt 106 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đạt 231 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2024, và hiện đã hoàn thành 43% kế hoạch năm.
LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ 6 THÁNG ĐẦU NĂM CỦA CÁC DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM ĐÃ CÔNG BỐ | |||||
Nguồn: Tổng hợp. | |||||
Nhãn | PVI | BIC | MIG | ABIC | |
Lợi nhuận trước thuế 6T2024 | tỷ đồng | 783 | 354 | 177 | 183 |
Lợi nhuận trước thuế 6T2025 | 953 | 420 | 231 | 183 |
Không nằm ngoài xu hướng, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm vừa tổ chức, lãnh đạo Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) cho biết đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 420 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành gần 60% mục tiêu năm.
Trong đó, khoản lợi nhuận riêng lẻ đạt trên 400 tỷ đồng, tăng 20%. Doanh thu phí bảo hiểm riêng công ty mẹ đạt gần 2.600 tỷ đồng, trong đó phí bảo hiểm gốc gần 2.500 tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị trí thứ 5 về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc.
Vẫn có “ông lớn” đi lùi lợi nhuận
Dù bức tranh chung khá tươi sáng, vẫn có doanh nghiệp ngành bảo hiểm ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong 6 tháng đầu năm. Đó là CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (UPCoM: ABIC), trực thuộc Agribank – Big 4 ngân hàng.
Trong quý II, ABIC ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 82 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Dù doanh thu thuần từ hoạt động bảo hiểm tăng 11% lên 638 tỷ đồng, chi phí lại tăng mạnh 21% khiến lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 7%, còn 211 tỷ đồng.
Doanh thu bảo hiểm chủ yếu đến từ mảng bảo hiểm sức khỏe (480 tỷ đồng, tăng 12%) và xe cơ giới (112 tỷ đồng, tăng 22%).
Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động tài chính không mấy tích cực, chỉ đạt 37 tỷ đồng (-4%). Chi phí quản lý doanh nghiệp tốn 166 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ABIC đạt 183 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, ngang bằng cùng kỳ năm trước và đã hoàn thành 58% kế hoạch năm.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức – Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách – nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo… Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.