Điều gì đang xảy ra với cổ phiếu VPBank?

Cổ phiếu VPB tăng giá trong phiên giao dịch ngày 28/7, chính thức lập đỉnh lịch sử mới nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng và dòng tiền mua mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài.

VPBank là một trong số ít ngân hàng lãi hơn 10.000 tỷ đồng sau nửa đầu năm. Ảnh: Phương Lâm.

Trong phiên giao dịch đang diễn ra, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank đang ghi nhận xu hướng tăng ấn tượng.

Hiện tại, cổ phiếu VPBank đang được các nhà đầu tư giao dịch quanh mức 25.000 đồng/cổ phiếu, tăng 4% so với phiên cuối tuần trước, đồng thời là mức cao nhất kể từ khi niêm yết.

Trong tuần trước đó, cổ phiếu ngân hàng này đã có 5 phiên tăng liên tiếp, với tổng mức tăng gần 13%. Trong 18 phiên gần nhất, VPB chỉ ghi nhận duy nhất một phiên giảm.

“Cổ phiếu vua” tăng tốt nhất thị trường

Với mức tăng 35% kể từ đầu tháng 7 đến nay, VPB đang là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm ngân hàng. So với vùng đáy ghi nhận trong đợt bán tháo do lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ hồi đầu tháng 4, mã chứng khoán này đã tăng hơn 50%.

Thanh khoản cổ phiếu VPB cũng liên tục bùng nổ trong thời gian gần đây. Giữa tháng 5, sau thông tin VPBank tổ chức đại nhạc hội VPBank K-Star Spark in Vietnam, mã chứng khoán VPB đã có phiên tăng kịch biên độ, với khối lượng giao dịch cao kỷ lục gần 96 triệu cổ phiếu khớp lệnh.

Bước sang tháng 7, trong bối cảnh thị trường chung tăng mạnh, VPB tiếp tục duy trì đà sôi động với nhiều phiên giao dịch ghi nhận khối lượng hơn 60 triệu cổ phiếu. Trung bình trong tháng 7, khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu này đạt gần 47 triệu cổ phiếu/phiên.

Một trong những động lực quan trọng thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu VPB thời gian gần đây là dòng tiền mạnh mẽ từ khối ngoại. Tính từ đầu tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tổng cộng 86,6 triệu cổ phiếu VPB, với giá trị giao dịch hơn 1.800 tỷ đồng.

Riêng trong phiên 25/7, khối ngoại mua ròng 225 tỷ đồng cổ phiếu VPB, cao nhất trong nhóm ngân hàng và xếp thứ 2 toàn thị trường.

Ngoài dòng tiền khối ngoại và xu hướng chung, đà tăng của cổ phiếu VPB còn được củng cố bởi kết quả kinh doanh tích cực trong quý II và 6 tháng đầu năm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý II đạt 6.215 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngân hàng mẹ đóng góp 93%, tương đương 5.753 tỷ, mức lợi nhuận này cao hơn 61% so với cùng kỳ của năm 2024.

co phieu VPB anh 1

Cổ phiếu VPB đạt đỉnh từ khi niêm yết. Ảnh: TradingView.

Lũy kế 6 tháng, VPBank báo lãi trước thuế hợp nhất 11.229 tỷ đồng, tăng 29%, là một trong số ít ngân hàng thương mại tư nhân báo lãi trên chục nghìn tỷ đồng nửa năm. Trong đó, ngân hàng mẹ tiếp tục giữ vai trò chủ lực khi đóng góp tới 95% tổng lợi nhuận. Ngoài ra, hoạt động của công ty chứng khoán VPBankS cũng mang về gần 900 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi FE Credit ghi nhận quý thứ 5 liên tiếp có lãi, với 270 tỷ đồng.

Ngoài kết quả kinh doanh, điểm đáng chú ý nhất trên bảng cân đối kế toán của VPBank là tổng tài sản ngân hàng đã vượt mốc 1,1 triệu tỷ đồng, cao hơn 20% so với đầu năm. Kết quả này đưa Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng là một trong 3 nhà băng ngoài nhóm quốc doanh (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) sở hữu tài sản triệu tỷ, cùng với MB và Techcombank.

Triển vọng tích cực từ chất lượng tài sản

Đánh giá về cổ phiếu VPB, các chuyên gia phân tích tại CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định VPBank đã có quý II tăng trưởng ấn tượng, với động lực lợi nhuận đến từ cả ngân hàng mẹ và các công ty con trong hệ sinh thái.

Đáng chú ý, chất lượng tài sản của ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng mẹ và FE Credit, đã cải thiện rõ nét. HSC đặc biệt nhấn mạnh việc nợ nhóm 2 của ngân hàng đã giảm liên tiếp trong 4 quý là tín hiệu tích cực, phản ánh xu hướng phục hồi bền vững.

KẾT QUẢ KINH DOANH CÁC QUÝ GẦN ĐÂY CỦA VPBANK
Nguồn: BCTC NH.
Nhãn I/2022 II III IV I/2023 II III IV I/2024 II III IV I/2025 II
Lợi nhuận trước thuế tỷ đồng 11146 4177 4514 1383 2550 2613 3117 2708 4182 4483 5187 6151 5015 6215

Tương tự, các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng việc cải thiện chất lượng tài sản là điểm sáng của VPBank trong quý II. Theo ước tính của công ty này, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của VPBank đã tăng từ 47,4% trong quý I lên 55,2% trong quý II.

Các chuyên gia kỳ vọng xu hướng tích cực này sẽ tiếp diễn, nhờ quá trình tái cấu trúc FE Credit đạt kết quả khả quan và năng lực trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản được cải thiện trong bối cảnh vướng mắc pháp lý dần được tháo gỡ.

Công ty Chứng khoán Yuanta cũng đánh giá cao xu hướng cải thiện chất lượng tài sản của VPBank, đồng thời kỳ vọng việc luật hóa Nghị quyết 42 sẽ giúp ngân hàng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, tăng hoàn nhập dự phòng và qua đó cải thiện lợi nhuận.

Hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VPBank đạt gần 14%, cao hơn đáng kể so với mức tối thiểu 10,5% theo quy định tại Thông tư 14/2025. Đây được xem là dư địa quan trọng giúp ngân hàng duy trì đà tăng trưởng tài sản trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các chuyên viên phân tích cũng dự báo FE Credit sẽ tiếp tục duy trì lợi nhuận trong nửa cuối năm khi nền kinh tế phục hồi tích cực hơn.

Năm nay, VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng khoảng 20-25% so với năm 2024, tương ứng mức 24.000-25.000 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, ngân hàng đã thực hiện được 44% kế hoạch đề ra.

Đến ngày 30/6, ngoài việc tổng tài sản vượt mốc 1,1 triệu tỷ, VPBank cũng ghi nhận tiền gửi của khách hàng đạt 600.774 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Trong khi đó, số dư cho vay khách hàng cùng thời điểm đạt 829.127 tỷ đồng, tăng 19%. Tổng nợ xấu tại ngân hàng mẹ (nhóm 3, 4, 5) hiện vào khoảng 2,31% tổng dư nợ cho vay.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức – Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách – nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo… Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.