Với giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm, sầu riêng không còn là thị trường của riêng các nông hộ, các đại gia như Đoàn Nguyên Đức, Trần Bá Dương cũng đang trồng và bán sầu riêng.
![]() |
Sầu riêng cao cấp Musang King. Ảnh: Dũng Lê. |
Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt kỷ lục với kim ngạch hơn 3,2 tỷ USD, tăng 43% so với năm trước và tăng 28 lần so với 5 năm trước đó. Kim ngạch này chiếm tới 46% tổng giá trị xuất khẩu ngành rau quả Việt Nam cùng năm.
Với lợi ích kinh tế khổng lồ, hàng loạt đại gia Việt Nam đã và đang để ý tới loại trái cây này.
Đại gia đua trồng sầu riêng
Dù xuất khẩu gặp khó nửa đầu năm nay, sầu riêng vẫn được kỳ vọng là mặt hàng mang lại lợi nhuận “siêu khủng” trong ngành nông nghiệp.
Khi nói về lợi nhuận của cây sầu riêng, ông Đoàn Nguyên Đức (tức bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) từng cho biết với chi phí sản xuất chỉ 5.000-10.000 đồng/kg, ở những thời điểm bán được giá, biên lợi nhuận sầu riêng đem lại có thể đạt trên 80%.
“Trồng sầu riêng 1 vốn 5 lời”, ông Đức từng khẳng định.
Bầu Đức hiện sở hữu khoảng 2.000 ha sầu riêng, với 1.700 ha tại Lào và 300 ha ở Việt Nam. Diện tích này đã tăng gấp đôi chỉ sau 2 năm, từ 1.000 ha năm 2022, chủ yếu trồng các giống cao cấp như Musang King và Monthong.
![]() |
Bầu Đức là một trong những đại gia đầu tiên nhìn ra tiềm năng của cây sầu riêng, hiện Hoàng Anh Gia Lai sở hữu tới 2.000 ha cây trồng này. Ảnh: HAG. |
Năm 2024, khoảng 80 ha sầu riêng của Hoàng Anh Gia Lai đã cho thu hoạch, mang về doanh thu khoảng 200 tỷ đồng. Dự kiến đến năm nay, diện tích thu hoạch đạt 600 ha và sang năm kế tiếp, khoảng 80% diện tích sẽ cho trái.
Phần lớn sản lượng sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường được bầu Đức đánh giá là cần ít nhất 7-10 năm nữa để tự cung cấp sầu riêng nếu thuê đất trồng ở nước ngoài. Vì vậy, đây là cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp trong 5 năm tới.
Cuối năm 2024, trong chuyến thực địa vườn sầu riêng tại Lào cùng 50 cổ đông sở hữu từ 200.000 cổ phiếu HAG trở lên, bầu Đức cho biết với 2.000 ha sầu riêng và 7.000 ha chuối hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai sẽ không mở rộng thêm diện tích trồng cây ăn trái mà tập trung nâng cao năng suất và phát triển các cây trồng ngắn ngày để đảm bảo dòng tiền liên tục.
Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu trồng sầu riêng từ năm 2018. Vườn sầu riêng canh tác theo tiêu chuẩn Global GAP và nhận tư vấn từ chuyên gia Thái Lan.
Kết thúc quý đầu năm nay, tập đoàn đạt doanh thu thuần gần 1.380 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, trái cây tiếp tục là mảng đóng vai trò chủ lực với doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm 72% tổng doanh thu và tăng 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 360 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ.
Không riêng bầu Đức, nhận thấy tiềm năng lớn của sầu riêng, Tập đoàn Thaco của ông Trần Bá Dương cũng đã tham gia vào thị trường này.
Mới đây, Công ty CP Nông nghiệp Trường Hải (Thaco Agri), thành viên thuộc Tập đoàn Thaco, cho biết từ giữa tháng 7 đến hết tháng 8, sản phẩm sầu riêng Monthong do doanh nghiệp canh tác sẽ chính thức lên kệ tại các đại siêu thị Emart với mức giá ưu đãi. Trọng lượng mỗi trái dao động 2,5-4,5 kg, được trồng theo tiêu chuẩn Global GAP, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
![]() |
Sầu riêng Monthong do Thaco Agri trồng sẽ lên kệ Emart. Ảnh: Thaco Agri. |
Dự kiến, doanh nghiệp sẽ cung cấp khoảng 25-30 tấn sầu riêng trong mùa vụ này để đảm bảo hương vị và chất lượng tốt nhất.
Theo Thaco Agri, sầu riêng được trồng chuyên canh và xen canh trên các đồng cỏ chăn nuôi tại Việt Nam và Campuchia theo tiêu chuẩn Global GAP, với tổng diện tích quy hoạch trồng trọt là 2.000 ha, sản lượng 40.000 tấn/vụ.
Tương tự, là doanh nghiệp cao su lớn nhưng từ năm 2018, Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk cũng bắt đầu đẩy mạnh trồng sầu riêng như một hướng đi mới, với diện tích hơn 69 ha.
Doanh nghiệp này lần đầu tiên ghi nhận doanh thu từ sầu riêng vào quý IV/2023 với hơn 2,5 tỷ đồng. Theo công ty, loại trái cây này cho mức hiệu suất lên đến “1 vốn 6 lời” với giá vốn chỉ 365 triệu đồng.
Dù là sản phẩm mới sầu riêng đã mang về lợi nhuận đáng kể cho Cao su Đắk Lắk. Báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy loại trái cây này đóng góp 20% lợi nhuận gộp cho công ty. Trong khi giá vốn chỉ khoảng 5,5 tỷ đồng, sầu riêng mang về gần 17,7 tỷ đồng doanh thu.
Trong năm 2025, Cao su Đắk Lắk đặt mục tiêu doanh thu 613 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế ước đạt 137,37 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng dự kiến trồng mới 30 ha sầu riêng.
Xuất khẩu sầu riêng kỳ vọng phục hồi mạnh
Năm 2023, sầu riêng đã trở thành “cây tỷ USD” của Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,3 tỷ USD. Từ đó, loại trái cây này trở thành “ngôi sao” trên bản đồ xuất khẩu nông sản. Giá trị xuất khẩu đã tăng 28 lần chỉ trong 5 năm, từ mức khiêm tốn 116 triệu USD năm 2020 đến kỷ lục 3,21 tỷ USD năm 2024, đóng góp gần một nửa kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Kim ngạch năm 2024 cũng tăng gấp 8 lần so với năm 2022, thời điểm loại trái cây này lần đầu xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Theo số liệu từ Cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng cả nước mới đạt 387 triệu USD, giảm gần 58% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng mặt hàng này trong nhóm rau quả xuất khẩu cũng rớt từ 35% xuống còn 17%.
Riêng trong tháng 5, xuất khẩu sầu riêng tiếp tục giảm, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp đi xuống.
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG CỦA VIỆT NAM | |||||
Nguồn: Cục Hải quan, Hiệp hội Rau quả Việt Nam. | |||||
Nhãn | 2022 | 2023 | 2024 | 5T/2025 | |
tỷ USD | 0.4 | 2.1 | 3.2 | 0.39 |
Diễn biến này kéo theo tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm chỉ đạt 2,3 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ Trung Quốc (chiếm 72% lượng sầu riêng xuất khẩu) siết kiểm định chất lượng sầu riêng, yêu cầu các lô hàng sầu riêng nhập khẩu vào thị trường này phải có giấy kiểm định dư lượng cadimi (kim loại nặng) và chất vàng O. Điều này khiến sản lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này giảm mạnh. Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ thu về 278 triệu USD từ thị trường này, giảm 67% so với cùng kỳ năm 2024.
Tuy vậy, sản phẩm sầu riêng đông lạnh lại đang ghi nhận xu hướng tăng mạnh với sản lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 14.282 tấn, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Chia sẻ với Tri Thức – Znews, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết sầu riêng Việt Nam vẫn đang trong quá trình khắc phục triệt để tồn dư chất bảo vệ thực vật có trong trái để giải quyết các rào cản kỹ thuật và quy định kiểm dịch thực vật mới của Trung Quốc. Việt Nam đang ưu tiên cấp mã vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và hợp lý hóa các quy trình kiểm tra.
Ông Đỗ Hồng Khanh, Chánh văn phòng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết với việc Trung Quốc đã phê duyệt thêm gần 1.000 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, cùng với những tín hiệu tốt từ một số thị trường nhập khẩu, xuất khẩu sầu riêng tươi có khả năng phục hồi từ quý III, đặc biệt là vào mùa vụ chính từ tháng 8-10.
“Tuy nhiên, mức phục hồi vẫn phụ thuộc lớn vào việc doanh nghiệp và nông dân có duy trì được điều kiện an toàn thực phẩm như đã cam kết hay không. Nếu tình trạng vi phạm vẫn còn tái diễn thì rủi ro xuất khẩu với ngành hàng này vẫn còn rất lớn”, ông Khanh nhấn mạnh.
Tri Thức – Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.