Trung Quốc mất gần 2 thập kỷ, chi hơn 200 tỷ USD để nuôi dưỡng ngành xe điện trong nước, trong khi EU hỗ trợ theo khối và cho phép từng nước linh hoạt ban hành ưu đãi riêng.
Chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện được xem là một trong những “canh bạc”” đắt đỏ nhất thế kỷ. Gần 20 năm qua, các chính phủ đã bơm hàng trăm tỷ USD vào ngành công nghiệp này, từ giảm thuế, trợ giá mua xe đến đổ tiền vào làm trạm sạc và nhà máy pin.
Trong đó, Trung Quốc không chỉ là “tay chơi” chi đậm nhất, mà còn đang viết lại luật chơi của nền kinh tế xe điện toàn cầu.
![]() |
Không quốc gia nào đầu tư mạnh vào ngành xe điện như Trung Quốc. Ảnh: Caixin. |
Trung Quốc chi 1,3% GDP cho xe điện
Trong giai đoạn 2009-2023, Bắc Kinh đã chi tổng cộng 230,8 tỷ USD – tương đương 1,3% GDP năm 2023 – để phát triển ngành công nghiệp xe điện, theo báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Ông Scott Kennedy, Chủ tịch Chương trình Kinh tế Trung Quốc tại CSIS, tiết lộ khoản chi này chiếm tới 18,8% doanh số xe điện của Trung Quốc trong cùng giai đoạn.
Theo BloombergNEF, phần lớn khoản chi không chỉ là trợ cấp trực tiếp, mà còn đến từ hàng loạt chính sách tài khóa và hành chính, gồm: trợ giá người mua, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, đầu tư hạ tầng sạc, đặc quyền xe điện tại đô thị như miễn phí biển số và ưu tiên di chuyển. Năm 2018, mỗi xe điện tại Trung Quốc từng được trợ giá trung bình 13.860 USD.
Đáng chú ý, vào tháng 6/2023, Bắc Kinh công bố gói miễn giảm thuế trị giá 520 tỷ nhân dân tệ (72,3 tỷ USD) trong vòng 4 năm cho các loại xe năng lượng mới (NEV), bao gồm cả xe điện và hybrid sạc ngoài (PHEV). Đây là gói ưu đãi lớn nhất trong lịch sử ngành ôtô Trung Quốc, thể hiện quyết tâm của chính phủ trong việc thúc đẩy tiêu dùng xanh và hồi phục nền kinh tế hậu đại dịch.
Cụ thể, các xe NEV mua trong năm 2024 và 2025 sẽ được miễn hoàn toàn thuế, tối đa 30.000 nhân dân tệ/xe (khoảng 4.170 USD). Từ năm 2026 đến 2027, mức miễn giảm này sẽ giảm một nửa. Ngoài ra, Trung Quốc đang cân nhắc gia hạn thêm 4 năm các ưu đãi dành cho xe điện có giá dưới 300.000 nhân dân tệ (gần 42.000 USD), trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do kinh tế tăng trưởng chậm lại.
TRUNG QUỐC CHI HƠN 160 TỶ USD HỖ TRỢ NGÀNH XE ĐIỆN GIAI ĐOẠN 2018-2023 | |||||||
Tổng chi tiêu ngân sách chính phủ Trung Quốc cho ngành xe điện qua mỗi năm. Nguồn: CSIS. | |||||||
Nhãn | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | |
Tỷ USD | 17.4 | 14.8 | 16.8 | 30.1 | 45.8 | 45.2 |
Thực tế, Trung Quốc bắt đầu triển khai chính sách trợ giá EV từ năm 2009, khi ngành xe điện còn non trẻ và thị trường tiêu dùng vẫn hoài nghi. Trong hơn một thập kỷ, ngoài khoản hỗ trợ khổng lồ từ trung ương, chính quyền địa phương cũng đóng góp khoảng 47 tỷ USD.
Song, từ năm 2015, các chính sách trợ giá bắt đầu bị siết chặt sau loạt gian lận như đăng ký xe ảo, tráo pin, tự mua xe nội bộ. Ít nhất 5 công ty bị phát hiện gian lận hơn 1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 140 triệu USD), theo Bộ Tài chính Trung Quốc.
Để khắc phục, Bắc Kinh chuyển hướng sang các tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ hơn, tăng cường kiểm định thực tế và triển khai hệ thống tín chỉ xe điện từ năm 2018. Đến năm 2021, các biện pháp này được hệ thống hóa trong Kế hoạch phát triển ngành NEV 2021-2035, với định hướng lấy thị trường làm trung tâm và hạn chế dần trợ cấp trực tiếp.
Do đó, tỷ lệ trợ giá trên tổng doanh số EV đã giảm mạnh, từ hơn 40% trước năm 2017 còn khoảng 11% vào năm 2023 (45,3 tỷ USD).
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn xây dựng một hệ sinh thái EV toàn diện, bao gồm pin, động cơ điện, phần mềm điều khiển, dịch vụ tài chính, hậu mãi và cơ sở hạ tầng sạc. Đây chính là điểm khác biệt cốt lõi giúp nước này vượt lên trên các đối thủ phương Tây, vốn còn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán chuỗi cung ứng và chi phí.
Theo ông Kennedy, sự hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc không chỉ đến từ tài chính mà còn là các chính sách phi tiền tệ tạo lợi thế cho doanh nghiệp nội địa, như quy định tiêu chuẩn khí thải, rào cản nhập khẩu, và chính sách mua sắm công ưu tiên xe điện trong nước.
Trong khi đó, ông nhận định Mỹ vẫn chưa tạo được môi trường đủ hấp dẫn để ngành EV bứt phá. “Ngoại trừ một vài ngoại lệ, phần lớn các chính phủ và nhà sản xuất phương Tây vẫn còn chần chừ và thiếu quyết liệt”, ông nói.
![]() |
Năm 2023, Trung Quốc bán ra hơn 9 triệu xe điện, chiếm gần 60% thị phần toàn cầu, trở thành nước xuất khẩu EV lớn nhất thế giới. Ảnh: China Daily. |
Chính nhờ các chính sách hỗ trợ mạnh tay này, Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Tính đến cuối năm 2024, nước này có hơn 20 triệu xe điện đang lưu hành, chiếm hơn một nửa tổng số EV toàn cầu. Các thương hiệu như BYD, Nio, XPeng không chỉ dẫn đầu thị trường nội địa mà còn tăng tốc xuất khẩu sang châu Âu, Đông Nam Á và Mỹ Latinh.
Dù vẫn tiếp tục gia hạn một số ưu đãi, Bắc Kinh khẳng định sẽ chấm dứt trợ cấp trong dài hạn, khi thị trường và doanh nghiệp đủ khả năng vận hành tự chủ. Trong ngắn hạn, trợ cấp vẫn là công cụ cần thiết để duy trì đà phát triển và đạt các mục tiêu khí hậu.
EU để các nước tự quyết
Trong khi Trung Quốc theo đuổi chiến lược tập trung và quy mô lớn để phát triển ngành xe điện, Liên minh châu Âu (EU) lại chọn một mô hình linh hoạt hơn, cho phép từng quốc gia thành viên chủ động thiết kế chính sách phù hợp với điều kiện và ưu tiên nội tại.
Tính đến năm 2023, cả 27 nước thành viên EU đều đã áp dụng ít nhất một hình thức hỗ trợ tiêu dùng xe điện, từ trợ cấp mua xe, miễn giảm thuế đăng ký, ưu đãi thuế VAT cho tới ưu đãi hạ tầng sạc và giao thông đô thị.
Đức từng dẫn đầu với chương trình hỗ trợ lên tới 9.000 euro/xe, miễn thuế lưu hành trong 10 năm và đầu tư hàng tỷ euro cho mạng lưới trạm sạc. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, nước này đột ngột chấm dứt toàn bộ trợ cấp mua xe điện, chuyển hướng sang ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng.
Đến năm 2025, chính phủ Đức thống báo sẽ tăng ngân sách cho giao thông bền vững và áp dụng ưu đãi thuế đặc biệt cho doanh nghiệp mua xe điện, với mức giá xe tối đa được hưởng ưu đãi tăng lên 95.000 euro. Ngoài ra, Đức cũng sẽ giảm thuế điện và phí lưới điện 60-85% để hỗ trợ công nghệ sạc 2 chiều, cho phép xe trả điện ngược về lưới.
![]() |
Châu Âu đẩy mạnh hạ tầng sạc và ưu đãi thuế cho người dùng xe điện. Ảnh: Shutterstock. |
Tại Pháp, người tiêu dùng có thể nhận 4.000-7.000 euro tùy theo thu nhập và giá trị xe, đồng thời hưởng các ưu đãi như miễn 50% phí đăng ký và miễn phí cấp biển số. Nước này cũng từng triển khai chương trình thuê xe điện giá rẻ cho hộ thu nhập thấp, chỉ 100 euro/tháng cho xe cá nhân.
Tuy nhiên, áp lực ngân sách buộc Paris phải cắt giảm chương trình. Ngân sách năm 2025 giảm từ 1,5 tỷ euro còn 1 tỷ euro, chương trình thuê xe sẽ tạm dừng và chỉ được khởi động lại vào cuối năm với nguồn lực hạn chế, với khoảng 300 triệu euro. Trong dài hạn, Pháp đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng trạm sạc toàn quốc trước năm 2030.
Trong khi đó, Tây Ban Nha, thông qua chương trình MOVES III, đã chi hơn 1,5 tỷ euro để hỗ trợ từ 4.500 euro đến 7.000 euro cho xe cá nhân chạy điện, và lên tới 9.000 euro cho xe thương mại. Ngoài ra, nước này còn áp dụng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho người mua xe, cho phép khấu trừ 15% giá trị xe, tương đương tới 20.000 euro/xe, hiệu lực đến cuối năm 2025. Tại các thành phố lớn như Madrid, Barcelona hay Valencia, xe điện còn được giảm 75% thuế đường bộ, giúp tiết kiệm đáng kể về lâu dài.
Song, do vướng mắc cơ chế giải ngân qua các cộng đồng tự trị, Madrid đang lên kế hoạch chuyển từ hình thức hoàn tiền sau mua sang chi trực tiếp tại điểm bán, giúp rút ngắn thời gian và tăng tính minh bạch.
![]() |
Bên cạnh hỗ trợ tài chính truyền thống, EU cũng điều chỉnh khung pháp lý để tạo dư địa cho đầu tư lớn. Ảnh: Shutterstock. |
Dù mỗi quốc gia triển khai theo cách riêng, EU vẫn thể hiện quyết tâm chung trong chuyển đổi giao thông. Sau đại dịch Covid-19, EU đã phân bổ khoảng 140 tỷ euro, tương đương 20% ngân sách phục hồi NextGenerationEU, cho các sáng kiến thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal), trong đó xe điện là một trụ cột.
Một phần lớn nguồn lực này được rót qua các chương trình trung tâm như Horizon Europe, Quỹ Đổi mới (Innovation Fund) và Quỹ Phát triển Khu vực (ERDF), ưu tiên cho công nghệ pin – mắt xích chiến lược trong chuỗi EV. Giai đoạn 2014-2020, Horizon Europe đã tài trợ hơn 873 triệu euro cho 307 dự án pin. Các quỹ khác tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trong giai đoạn 2021-2024.
Bên cạnh hỗ trợ tài chính truyền thống, EU cũng điều chỉnh khung pháp lý để tạo dư địa cho đầu tư lớn. Cơ chế IPCEI (Dự án Quan trọng vì Lợi ích Chung châu Âu) cho phép các nước thành viên cấp trợ cấp nhà nước vượt trần, nhằm phát triển các lĩnh vực chiến lược như pin, hydro và bán dẫn.
Từ 2018 đến giữa năm 2024, Ủy ban châu Âu đã phê duyệt tổng cộng hơn 36,2 tỷ euro theo cơ chế này, phản ánh nỗ lực duy trì sức cạnh tranh công nghiệp của EU trước áp lực từ Trung Quốc và Mỹ.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức – Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.