Phó thủ tướng: Bộ Công Thương là ‘lá cờ đầu’ trên mặt trận kinh tế

Theo Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn, trong nhiệm kỳ 2025-2030, Bộ Công Thương là “lá cờ đầu” trên mặt trận kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp, doanh nhân.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá Bộ Công Thương đã phấn đấu hơn 100% sức lực để đóng góp toàn diện vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội. Ảnh: VGP.

Sáng 16/7, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I nhiệm kỳ 2025-2030.

Tại buổi họp, Phó thủ tướng cho biết 5 năm qua, tình hình thế giới và khu vực trải qua nhiều biến động, tuy nhiên, nhờ vững bước vượt qua những khó khăn, nước ta đã quyết liệt thực hiện nhiều chính sách và giải pháp đồng bộ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên và hai con số trong những năm tiếp theo. Đặc biệt, tăng trưởng GDP tính chung 6 tháng đầu năm cao nhất cùng kỳ trong gần 20 năm qua.

Đóng góp toàn diện vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội

Trong các thành tích chung, Phó thủ tướng đánh giá ngành công thương đã chủ động, sáng tạo, có những đột phá để đóng góp toàn diện vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã có thành tích trong việc tham mưu xây dựng chính sách với hàng loạt luật, nghị định, thông tư được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh về thành tích quy hoạch và phát triển mạng lưới điện và năng lượng quốc gia của Bộ Công Thương. Nổi bật là “kỳ tích” đường dây 500 kV mạch 3 được hoàn thành với nhiều kỷ lục, tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, tháo gỡ khó khăn cho các dự án lớn về năng lượng tái tạo…

Đồng thời, Bộ Công Thương đã phấn đấu hơn 100% sức lực, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khoá XV thông qua Luật Điện lực sửa đổi chỉ trong một kỳ họp; thực hiện tách Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia ra khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giúp đổi mới căn bản cơ chế vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia.

“Kể từ khi làm được bước đột phá này, ngành điện cùng công tác điều tiết điện lực đã được thực hiện liên tục, thông suốt, cung cấp đầy đủ điện kể cả cho sản xuất và tiêu dùng. Đây là bước đột phá quan trọng trong tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông vướng mắc, thu hút đầu tư”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Với vai trò điều tiết, dẫn dắt của Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Năm ngoái, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 787 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Đáng chú ý, nước ta xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD.

Trước những biến động của kinh tế thế giới do tác động của căng thẳng thuế quan, bảo hộ, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nghiên cứu, tạo đột phá trong việc khai mở thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, châu Phi, thị trường Halal…

Song song đó, thị trường trong nước vẫn tiếp đà tăng trưởng vững chắc ở mức 9%, đặc biệt là thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD năm 2024.

Phó thủ tướng cũng ghi nhận Bộ Công Thương đã làm rất tốt công tác tinh gọn bộ máy, cắt giảm thủ tục hành chính, gỡ khó cho doanh nghiệp, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường.

“Thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực to lớn và những thành tích đáng khích lệ của Đảng bộ Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ 2020-2025”, Phó thủ tướng nói thêm.

Pho thu tuong,  Bui Thanh Son anh 1

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Chính phủ, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn biểu dương những nỗ lực to lớn và những thành tích đáng khích lệ của Đảng bộ Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: MOIT.

Dù vậy, Phó thủ tướng cho rằng Bộ vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, như chưa kịp thời trong việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của cấp trên; hạn chế về hiệu quả tổ chức thực thi, về chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ; xuất khẩu còn phụ thuộc lớn, kéo dài vào khu vực FDI…

Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ cũng đánh giá công tác quản lý thị trường vẫn còn kẽ hở, khi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị thảo luận, phân tích kỹ các nguyên nhân, xác định giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra để đưa ngành công thương phát triển toàn diện, vững mạnh.

Điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp

Chỉ đạo nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục giữ vững vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước chủ lực về công nghiệp và thương mại, là “lá cờ đầu” trên mặt trận kinh tế, là điểm tựa vững chắc cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng gợi mở Bộ Công Thương tăng cường lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị trong quản lý Nhà nước của ngành, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng XIV (ngay sau khi được thông qua).

Đồng thời, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, đạt và vượt các chỉ tiêu được giao, góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, có năng lực cạnh tranh thuộc nhóm dẫn đầu ASEAN, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, duy trì vị thế top 20 về xuất khẩu và top 30 về thị trường bán lẻ toàn cầu, đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa, năng lượng; phát triển hạ tầng năng lượng, thương mại, logistics hiện đại, tiệm cận nhóm đầu ASEAN.

Cùng với đó, tập trung triển khai tốt 4 quy hoạch trọng điểm quốc gia của ngành trong giai đoạn tới, gồm: Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch điện, Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu khí đốt quốc gia và Quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản, với khoảng 50.000 dự án và tổng mức đầu tư lên tới hàng triệu tỷ đồng.

Pho thu tuong,  Bui Thanh Son anh 2

Ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ trưởng Công Thương, được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: MOIT.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững thị trường năng lượng; thực hiện tốt Quy hoạch điện VIII, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm cân bằng giữa an ninh năng lượng và mục tiêu giảm phát thải.

Đồng thời, ngành công thương cần phát triển thương mại hiện đại, bền vững, gắn với xuất khẩu giá trị cao, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách của các nước lớn về thuế quan; đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, giảm dần phụ thuộc vào nguyên liệu thô và gia công.

Bộ Công Thương cũng được giao mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua việc tận dụng hiệu quả các FTA; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường tiềm năng ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Á, Trung Đông Âu, thị trường Halal; cũng như phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ sinh thái logistics và thương mại số, phù hợp với xu thế chung của thế giới và khu vực.

Phó thủ tướng đồng thời đề nghị Bộ Công Thương bảo vệ thị trường trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Lãnh đạo Chính phủ lưu ý đến việc hoàn thiện hệ thống phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước trước các hành vi, nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài; song song với việc nâng cao năng lực điều tiết thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bộ Công Thương cũng được giao đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện tốt các cam kết, thoả thuận thương mại quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Pho thu tuong,  Bui Thanh Son anh 3

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định nhiệm kỳ 2025-2030, Bộ sẽ nỗ lực hết mình để đóng góp toàn diện vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Ảnh: MOIT.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn tin tưởng và kỳ vọng Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025-2030 sẽ tiếp tục chung sức, nỗ lực phấn đấu xây dựng ngành công thương vững mạnh toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030.

Tại Đại hội, đại diện Ban Tổ chức Đảng ủy Chính phủ đã công bố các quyết định chỉ định của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ về nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy; Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025-2030; Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ lần thứ nhất nhiệm kỳ 2025-2030.

Trong đó, ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ trưởng Công Thương được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025-2030.

Tri Thức – Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.